Mary Sue: Từ Khái Niệm Tới Chiến Lược Xây Dựng Nhân Vật 10/10/2023
Người viết: Ba Tê
Nguồn: batenovel.com
Người viết: Ba Tê
Nguồn: batenovel.com
Bí quyết tạo nên nhân vật hấp dẫn mà không làm mất cân bằng câu chuyện.
Mary Sue (và phiên bản nam là Gary Sue) là một thuật ngữ dùng để chỉ những nhân vật hoàn hảo một cách phi thực tế, thường không có khiếm khuyết đáng kể và luôn tỏa sáng trong mọi tình huống. Ban đầu, Mary Sue đại diện cho hình tượng lý tưởng hóa của tác giả hoặc độc giả, nhưng dần dần kiểu nhân vật này trở thành đối tượng bị chỉ trích vì làm giảm đi sự thú vị và kịch tính của câu chuyện.
Đến này đã có nhiều thuật ngữ được tạo ra từ Mary Sue như Jack Sue, Tom Sue,...
Tôi không thể và không tự tin để khuyên bảo một ai đó nên hay không nên. Nhưng tôi nghĩ mình cần chia sẻ "lợi và hại" của loại nhân vật này để mọi người cùng cân nhắc.
Giảm sức hấp dẫn của câu chuyện: Nhân vật thiếu quá trình phát triển và không gặp khó khăn đủ lớn, dẫn đến câu chuyện trở nên dễ đoán và nhàm chán.
Lấn át vai trò của nhân vật khác: Mary Sue có thể làm lu mờ các nhân vật khác, khiến mạch truyện bị mất cân bằng.
Gây ấn tượng xấu về tính sáng tạo: Sự hoàn hảo thái quá có thể bị xem là giải pháp lười biếng trong xây dựng nhân vật.
Với những tác hại đã nêu ở trên, sẽ thật khó để tìm ra điều gì đó có lợi để khai thác tốt thể loại nhân vật này. Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là chưa từng có ai sử dụng Mary/Gary Sue hiệu quả.
Tạo điểm nhấn trong truyện: Khi được xây dựng khéo léo, Mary Sue có thể trở thành chất xúc tác giúp các nhân vật khác tỏa sáng.
Đại diện cho lý tưởng: Những nhân vật như Uchiha Itachi (Naruto) có thể trở thành biểu tượng của sự hi sinh, hòa bình hoặc trí tuệ, dù họ hoàn hảo nhưng vẫn hấp dẫn nhờ chiều sâu nội tâm và mục tiêu cao cả.
Hình mẫu đầu tiên tôi sẽ đưa ra để ví dụ chính là nhân vật Uchiha Itachi trong truyện Naruto của Kishimoto Masashi-sensei. Nhân vật này đã gây ấn tượng mạnh với độc giả bởi ngoại hình điển trai, tài năng và sức mạnh thuộc top đầu các nhân vật, cùng với trí thông minh có thể tính trước một tương lai khá xa đã giúp anh chàng nhiều lần gây khó dễ và đồng thời cũng giúp đỡ khá nhiều cho nhân vật chính.
Ở bề ngoài, Itachi có tất cả các yếu tố của một nhân vật lý tưởng: mạnh mẽ, thông minh, điềm tĩnh và luôn kiểm soát được tình hình. Anh được cả đồng đội và kẻ thù kính trọng, hiếm khi bị tổn thương hoặc thất bại trong các trận chiến. Tuy nhiên, Itachi cũng mang trên mình chiều sâu nội tâm và một quá khứ đầy lỗ hổng.
Mặc dù tài năng và những kế hoạch của Itachi có vẻ hoàn mỹ, nhưng anh đã không thể đạt được tất cả mục tiêu của mình: Sasuke vẫn rơi vào hận thù và hòa bình mà anh hi sinh để bảo vệ cũng chỉ là tạm thời mà thôi.
Không chỉ thế, tác giả còn cho thấy những thiếu sót hoặc hạn chế trong kế hoạch của anh (như đánh giá thấp ảnh hưởng của Obito hoặc sự ngoan cố của Sasuke) đã ngầm cho thấy Itachi không phải là người toàn năng.
Khác với một Mary Sue "hoàn hảo mọi mặt", những gì khiến Itachi đặc biệt là chiều sâu nội tâm và sự hi sinh thầm lặng. Anh phải sống với những nỗi đau tinh thần lớn lao và sự "hoàn hảo" bên ngoài chỉ là lớp mặt nạ để che giấu những tổn thương này. Cuộc đời của Itachi không suôn sẻ hay lý tưởng. Thay vào đó, anh sống trong cô độc và đau khổ, chịu đựng hiểu lầm từ những người anh bảo vệ, yêu thương.
Sự phức tạp trong nội tâm, những hi sinh và bi kịch cá nhân đã khiến anh trở thành một nhân vật "hoàn hảo nhưng không toàn vẹn". Đây chính là điều làm nên sức hút đặc biệt của anh, vượt qua khuôn mẫu của một nhân vật Mary Sue thông thường. Itachi đã không được sắp xếp để chiếm spotlight hoặc làm lu mờ vai trò của Naruto, Sasuke hay các nhân vật khác. Anh đóng vai trò chất xúc tác, thúc đẩy sự phát triển của Sasuke và cốt truyện chính, chứ không phải là nhân vật với mọi sự kiện xoay quanh.
Đến đây có lẽ bạn đã hiểu cách mà Kishimoto Masashi-sensei tạo ra một nhân vật hoàn hảo không chiếm spotlight của nhân vật chính rồi nhỉ?
Đối với truyện Detective Conan của Aoyama-sensei. Ông đã mặc cho vũ trụ phá án của Conan đã sở hữu hàng tá những nhân vật tài năng, thông minh và hóm hỉnh để rồi khéo léo cài cắm vào đó một Mary Sue. Đây quả là một thử thách khi hầu như các nhân vật xuyên suốt truyện đều là biểu tượng cho một sự hoàn hảo nhất định, nhưng Aoyama-sensei đã có thể tạo nên một Mary Sue trong số những Mary Sue, và hạn chế đất diễn của nhân vật này theo cách không quá gượng ép. Nhân vật mà tôi đang nhắc đến không phải ai khác mà chính là Yusaku Kudo.
Yusaku là một nhà văn nổi tiếng thế giới, sáng tác những tiểu thuyết trinh thám ăn khách và được công nhận bởi cả giới chuyên môn và độc giả. Ông cũng là một nhà suy luận thiên tài, từng hỗ trợ cảnh sát phá nhiều vụ án phức tạp. Thậm chí, ông thường giải quyết các vụ án nhanh chóng và chính xác hơn cả Shinichi.
Ông có ngoại hình đẹp trai, lịch lãm và phong thái tự tin, điềm tĩnh. Dù đã trung niên, Yusaku vẫn toát lên vẻ quyến rũ của một người đàn ông thành đạt và tinh tế. Yusaku có một cuộc sống gia đình hoàn hảo với Yukiko, một cựu diễn viên nổi tiếng và một cậu con trai thiên tài. Ông còn có mối quan hệ tốt đẹp với các nhân vật khác và luôn có được sự tôn trọng, ngưỡng mộ từ họ.
Yusaku dường như không có giới hạn trong khả năng suy luận. Ông được xây dựng như một nhân vật có trí tuệ vượt trội, hiếm khi mắc sai lầm và luôn dẫn trước trong các tình huống đấu trí căng thẳng. Trong một số tình tiết, khả năng suy luận của Yusaku làm lu mờ cả con trai Shinichi, nhân vật chính của bộ truyện.
Ông có đủ mọi thứ mà một người đàn ông trưởng thành thường mong muốn: tài năng, danh tiếng, sự giàu có, ngoại hình và một gia đình hoàn hảo.
Yusaku thường xuất hiện như một nhân vật hoàn mỹ, không có điểm yếu rõ ràng hay khuyết điểm về tính cách. Mặc dù chỉ là nhân vật phụ nhưng mỗi lần Yusaku xuất hiện, ông thường có vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề, khiến nhân vật chính như Shinichi bị lờ đi trong nhiều khoảnh khắc.
Tuy nhiên, Yusaku không phải là trung tâm của câu chuyện. Sự xuất hiện của ông chỉ mang tính hỗ trợ và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến hành trình phát triển của Shinichi. Việc ông thể hiện vượt trội hơn Shinichi không nhằm mục đích “tôn vinh” bản thân, mà để làm nổi bật xuất thân và môi trường trưởng thành của Shinichi. Yusaku đã được hạn chế để không có chiều sâu nội tâm hoặc mâu thuẫn đáng kể nào. Ông được xây dựng đơn thuần như một nhân vật phụ lý tưởng, đóng vai trò "cố vấn" hoặc hỗ trợ cho Shinichi.
Vậy nên sự hoàn hảo của Yusaku không làm ảnh hưởng đến hành trình trưởng thành và phát triển của Shinichi. Nếu Yusaku xuất hiện quá thường xuyên và làm lu mờ nhân vật chính, ông có thể bị xem là "Mary Sue" gây khó chịu với độc giả.
Bạn nghĩ sao về việc Yusaku thường được khắc họa vượt trội hơn cả Shinichi? Liệu điều này có làm giảm giá trị của nhân vật chính không?
Cuối cùng, dù nhân vật này tôi vẫn chưa hiểu rõ vì chưa xem trọn vẹn tác phẩm Jujutsu Kaisen, nhưng tôi tin là thầy bé Năm a.k.a Gojo Satoru xứng đáng được nêu tên tại bài viết!
Nhân vật này xuất hiện lần đầu với sự điển trai cùng thân hình cao ráo, tính cách thì thú vị và chiều sâu nội tâm vẫn luôn được Gege Akutami-sensei chú tâm đến, nhưng dẫu vậy thì tác giả cũng đã từng chia sẻ rằng nhân vật này vẫn không đủ chiều sâu mà ông mong muốn.
Đồng thời, vì sự thông minh và sức mạnh thuộc hàng đỉnh cao của Gojo nên Gege Akutami-sensei rất nhiều lần phải chật vật nghĩ cách cho nhân vật này không can thiệp vào vấn đề hiện có. Và không chỉ tác giả, rất nhiều fan của bộ truyện cũng nhận ra nhân vật chính của tác phẩm này thật đáng thương khi tất cả những ưu điểm của cậu đều bị lu mờ nhanh chóng bởi hào quang của Mary Sue, và Mary Sú-kuna.
Gojo là chú thuật sư mạnh nhất trong thế giới Jujutsu Kaisen. Anh sở hữu các kỹ thuật tối thượng khiến anh gần như là một nhân vật bất khả chiến bại. Trong các trận chiến, Gojo hiếm khi gặp nguy hiểm thực sự và thường áp đảo kẻ thù một cách dễ dàng. Gojo không chỉ mạnh mẽ mà còn rất thông minh, nhanh trí và thường xuyên kiểm soát được tình huống. Điều này làm cho anh trông giống như một nhân vật "hoàn hảo không tì vết".
Gojo được miêu tả là có ngoại hình điển trai, với mái tóc trắng và cặp mắt xanh rực rỡ (khi để lộ). Anh có phong cách thời trang nổi bật giữa các nhân vật khác. Anh toát lên sự tự tin và đôi lúc khá kiêu ngạo "Yowai Mo (弱いも)", điều này được thể hiện như một phần tính cách hấp dẫn của anh. Ngoại hình và phong cách của anh khiến anh trở thành trung tâm của sự chú ý, được yêu thích cả trong thế giới truyện lẫn ngoài đời thực (độc giả).
Là một giáo viên, Gojo đóng vai trò lớn trong việc huấn luyện thế hệ trẻ, đặc biệt là nhân vật chính Yuji Itadori. Anh vừa là người dẫn dắt, vừa là người bảo vệ, giúp duy trì cán cân sức mạnh trong thế giới Jujutsu Kaisen. Anh cũng là người giữ vai trò "lá chắn" bảo vệ trật tự, vì nếu không có Gojo, kẻ thù như Sukuna và các chú linh/nguyền hồn sẽ dễ dàng hủy diệt thế giới.
Tuy nhiên, tính cách của Gojo đã khiến anh không trở thành một Mary Sue đúng nghĩa để làm độc giả khó chịu với anh. Vì Gojo vốn có tính cách kiêu ngạo và đôi khi không cân nhắc hậu quả trong hành động của mình. Sự tự tin thái quá này đã dẫn đến những rắc rối. Chẳng hạn như việc anh tin rằng mình có thể bảo vệ mọi thứ mà không cần sự hỗ trợ từ người khác. Cùng với việc Gojo cũng có những tổn thương về mặt cảm xúc, đặc biệt là với cái chết của người bạn thân Geto Suguru. Điều này cho thấy một mặt yếu đuối và nhân tính trong anh, làm anh trở nên phức tạp hơn một nhân vật Mary Sue thông thường.
Việc Gojo bị phong ấn trong Vương Quốc Ngục Tù (Prison Realm) cũng là một cách cân bằng cốt truyện, tạo điều kiện để các nhân vật khác tỏa sáng mà không phụ thuộc vào sức mạnh áp đảo của anh.
Mặc dù anh có những yếu tố của một nhân vật "hoàn hảo" (sức mạnh, ngoại hình, tài năng) nhưng tính cách phức tạp, những khuyết điểm nội tâm và vai trò phụ trợ trong câu chuyện đã giúp anh thoát khỏi khuôn mẫu Mary Sue thông thường. Sự hiện diện của Gojo không làm giảm giá trị của các nhân vật khác mà thay vào đó, anh giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn bằng cách thiết lập một tiêu chuẩn sức mạnh và tạo ra những thách thức lớn hơn cho cả kẻ thù lẫn đồng đội.
Theo bạn, việc Gojo bị phong ấn trong Jujutsu Kaisen có phải là cách tác giả cân bằng câu chuyện không? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cốt truyện và các nhân vật khác?
Như bạn thấy đấy, những Mary Sue kể trên cũng như nhiều Mary Sue khác một khi được khai thác và sử dụng hợp lý thì đó sẽ là sự thành công lớn cho tác phẩm. Đồng thời đó vẫn sẽ luôn là thử thách mà không phải ai cũng có thể thành công.
Và câu hỏi cần đặt ra ở đây là:
À thì... Cứ mặc kệ cái tiêu đề giật tít ở trên đi, chúng ta không còn gì để xây dựng cho một nhân vật Mary Sue ngoài nội tâm, tính cách của họ đâu!
Việc duy nhất chúng ta cần phải làm là kìm hãm, giới hạn sân chơi của nhân vật này xuống hết mức có thể, bởi nếu không bạn sẽ phải chật vật như Gege Akutami-sensei đó. Nên để mà nói cho chính xác hơn thì chúng ta không xây dựng nhân vật nữa, chúng ta xây dựng cốt truyện để tận dụng nhân vật sao cho hợp lý.
Mary Sue thường phù hợp hơn khi là nhân vật phụ hoặc phản diện. Để tránh làm lu mờ nhân vật chính, hãy tạo ra những giới hạn cho Mary Sue, chẳng hạn như:
Hạn chế đất diễn: Mary Sue chỉ xuất hiện khi thực sự cần thiết.
Vai trò rõ ràng: Họ là cố vấn hoặc chất xúc tác thay vì là trung tâm của câu chuyện.
Ví dụ: Yusaku Kudo trong Detective Conan là nhân vật "siêu hoàn hảo" nhưng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp khắc họa rõ nét xuất thân và năng lực của Shinichi.
Những khuyết điểm nhỏ hoặc hạn chế trong năng lực có thể làm nhân vật bớt "vô thực".
Tính cách: Nhân vật có thể tự cao hoặc quá tin vào khả năng của mình, dẫn đến những sai lầm, thiếu sót hoặc mâu thuẫn.
Chiều sâu nội tâm: Nội tâm phức tạp, tổn thương tinh thần hoặc các quyết định gây tranh cãi làm tăng tính nhân văn.
Ví dụ: Gojo Satoru tuy mạnh mẽ nhưng bị cô lập bởi sức mạnh của mình, điều này tạo nên nỗi buồn ẩn giấu.
Hãy để Mary Sue tác động gián tiếp lên câu chuyện thông qua các tình tiết thú vị mà không làm mất vai trò của nhân vật chính.
Ví dụ: Itachi trong Naruto không chỉ là nhân vật với năng lực hoàn hảo mà còn là người âm thầm định hình hành trình của Sasuke.
Mary Sue không phải là một nhân vật ất ơ bạn có thể bỏ quên khi câu chuyện đến hồi kết. Hãy để nhân vật này có một vai trò xuyên suốt thật rõ ràng và buộc phải có một cái kết thật sự rõ ràng. Tôi mặc kệ bạn có chặt Mary Sue như cách mà Gege Akutami-sensei làm hay không, nhưng chúng ta BUỘC PHẢI CÓ MỘT CÁI KẾT!
Mary Sue cần một kết cục rõ ràng, có thể là hi sinh hoặc rút lui để nhường chỗ cho nhân vật chính phát triển.
Nếu Mary Sue phải đảm nhận vai trò chính, câu chuyện cần được xây dựng theo hướng sảng văn (loại truyện tập trung vào sự "sướng" khi mọi thứ đều thuận lợi). Ngoài ra, cần tạo thêm xung đột về nội tâm hoặc các yếu tố phụ trợ như:
Mâu thuẫn nội tâm: Nhân vật phải đối diện với những vấn đề không thể giải quyết bằng tài năng hoặc sức mạnh.
Tình tiết phụ đa dạng: Những nhân vật và sự kiện thú vị sẽ là điểm nhấn để bù đắp cho sự thiếu kịch tính trong hành trình của Mary Sue.
Ví dụ: Tác phẩm Sakamoto desu ga? là một minh chứng cho cách xây dựng Mary Sue phiên bản hài hước và hấp dẫn.
Chia sẻ hôm nay chỉ tới đây thôi!
Hy vọng bạn thích bài viết dưới quan điểm, góc nhìn này và sẽ theo dõi những bài viết sắp tới.
Xin chào, hẹn gặp lại!