Cách Sáng Tạo Nhân Vật Độc Đáo Và Đáng Nhớ Cho Truyện, Tiểu Thuyết, Phim Ảnh 22/11/2024
Người viết: Ba Tê
Nguồn: batenovel.com
Người viết: Ba Tê
Nguồn: batenovel.com
Sáng tạo nhân vật là yếu tố cốt lõi trong truyện, tiểu thuyết và cả phim ảnh vì nhân vật chính là "linh hồn" của mọi câu chuyện. Nhân vật không chỉ dẫn dắt mạch truyện mà còn là cầu nối cảm xúc giữa tác phẩm và người đọc hoặc khán giả.
Một nhân vật sống động, có chiều sâu, được xây dựng kỹ lưỡng sẽ giúp người xem dễ dàng đồng cảm, thấu hiểu,... Và đôi khi nhân vật còn khiến họ nhìn thấy bản thân bên trong nhân vật. Nhờ đó, câu chuyện sẽ trở nên ý nghĩa hơn, tạo ấn tượng lâu dài và giúp truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ hơn. Một nhân vật được xây dựng tốt luôn là yếu tố không thể thiếu cho mọi tác phẩm thành công. Dù là một anh hùng vĩ đại hay một kẻ phản diện tinh vi, mỗi nhân vật đều cần mang theo chiều sâu và sự phức tạp để giúp câu chuyện trở nên đáng giá.
Nhân vật tượng trưng: Đại diện cho một lý tưởng, giá trị hoặc thông điệp sâu xa. Dạng nhân vật này giúp tăng chiều sâu tư tưởng và giúp tác phẩm trở nên ý nghĩa hơn.
(Sự nỗ lực, tình bạn, trách nhiệm, sự hy sinh, sự tha hóa, ý chí thay đổi xã hội, sự phản kháng, niềm tin vào giấc mơ, yêu thương bản thân)
Nhân vật hài hước: Là người mang lại tiếng cười, thường xuất hiện để giảm nhẹ căng thẳng trong các tình huống nghiêm trọng.
(Hành động ngớ ngẩn, sự vô tri, lời thoại hóm hỉnh, phản ứng thái quá,...)
Nhân vật trải đời: Là những nhân vật trải qua sự phát triển hoặc thay đổi đáng kể trong cốt truyện.
(Xung đột nội tâm, đối thủ mạnh mẽ, bi kịch tuổi thơ, sự phản bội, sự bất lực, định kiến xã hội,...)
Nhân vật kể chuyện: Thường là dạng nhân vật dành cho những câu chuyện được kể ở góc nhìn thứ nhất. Dẫn dắt độc giả, cung cấp bối cảnh hoặc cảm xúc qua góc nhìn riêng.
(Có thể là nhân vật trong câu chuyện hoặc một người ngoài cuộc, ví dụ: Nick Carraway trong The Great Gatsby, Watson trong Sherlock Holmes)
Kẻ mơ mộng: Có ước mơ lớn lao, thường vượt qua khó khăn và thách thức để đạt được mục tiêu. Truyền cảm hứng về việc theo đuổi ước mơ và kiên trì với lý tưởng.
Luffy (One Piece): Mơ trở thành Vua Hải Tặc, luôn lạc quan và quyết tâm theo đuổi giấc mơ.
Anh hùng cổ điển: Dũng cảm, chính trực, đấu tranh vì lẽ phải và công lý, thường là trung tâm của câu chuyện. Đưa ra thông điệp tích cực về đạo đức và giá trị.
Superman (DC Comics): Biểu tượng cho lòng nhân hậu, chính nghĩa và hy sinh.
Người hùng ngây thơ: Trong sáng, ngây thơ, đôi khi vụng về nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn thông qua lòng tốt và sự chân thành. Làm nổi bật giá trị nhân văn trong câu chuyện.
Goku (Dragon Ball): Dù mạnh mẽ, vẫn giữ được tính cách vô tư và thuần khiết.
Anh hùng bất đắc dĩ: Không muốn tham gia vào hành trình hoặc bị cuốn vào tình thế bất khả kháng, sau đó dần chấp nhận vai trò của mình. Khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật qua sự phát triển trong hành trình.
Frodo Baggins (The Lord of the Rings): Không muốn mang chiếc nhẫn nhưng chấp nhận trách nhiệm vì đại nghĩa.
Nhân vật phản anh hùng: Không điển hình như anh hùng cổ điển, có khuyết điểm, thường hành động vì lợi ích cá nhân hoặc lý do thực dụng hơn là lý tưởng. Mang đến câu chuyện đa chiều và sự mâu thuẫn về cách thực thi công lý.
Light Yagami (Death Note): Thực thi công lý qua cách làm độc đoán và tàn nhẫn.
Nhân vật phản chính diện: Là trung tâm của câu chuyện nhưng lại là nhân vật đối đầu với nhân vật chính nghĩa, đối đầu với công lý hoặc chống lại xã hội. Thách thức góc nhìn của người xem về đạo đức và thiện ác.
Johan Liebert (Monster): Một thiên tài xấu xa với mục tiêu gieo rắc hỗn loạn.
Nhân vật báo thù: Mục tiêu chính là trả thù cho người thân, gia đình hoặc bản thân, thường mang nặng tâm lí. Thúc đẩy câu chuyện thông qua cảm xúc mạnh mẽ và sự đấu tranh nội tâm.
Sasuke Uchiha (Naruto): Trả thù cho gia tộc bằng cách săn lùng Itachi.
Nhân vật lạc lối: Một nhân vật đau khổ vì tội lỗi hoặc mất phương hướng, lý tưởng vì đã đạt được mục tiêu nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng. Tìm kiếm mục đích sống qua hành trình tiếp theo của mình. Tạo chiều sâu cho nhân vật và đưa ra thông điệp về sự tích cực, sự chuộc lỗi, tái sinh trở thành con người mới.
Thorfinn (Vinland Saga): Sau khi trả thù, anh tìm cách xây dựng cuộc sống ý nghĩa hơn.
Nhân vật kỳ quặc: Khác biệt hoàn toàn so với những nhân vật chính thông thường, tạo điểm nhấn hài hước hoặc độc đáo không theo quy tắc. Mang lại sự tươi mới và hài hước cho câu chuyện.
Saitama (One Punch Man): Một anh hùng mạnh đến mức nhàm chán và chỉ muốn sống đời bình thường.
Nhân vật bị nguyền rủa: Mang trong mình một lời nguyền hoặc gánh nặng đặc biệt, khiến họ trở thành trung tâm của xung đột. Khắc họa sự đấu tranh giữa định mệnh và ý chí tự do.
Kaneki Ken (Tokyo Ghoul): Trở thành bán ghoul, bị cả thế giới con người và ghoul chối bỏ.
Người lý trí: Là người khô khan, thiếu nhạy cảm hoặc không giỏi biểu lộ cảm xúc, dẫn dắt giải quyết vấn đề hoặc đối trọng với nhân vật cảm xúc.
Sáng suốt, quyết đoán, giỏi giải quyết vấn đề.
Người cảm xúc: Thường tạo nên mâu thuẫn nội tâm sâu sắc hoặc là nguồn động lực cho những người xung quanh. Hành động dựa trên cảm xúc và giá trị cá nhân, đồng cảm với người khác, đôi khi quá bao đồng và nhạy cảm.
Ấm áp, nhân hậu, dễ tạo mối quan hệ, dễ tổn thương, thiếu khách quan trong quyết định.
Người gan dạ: Là nhân vật tạo động lực cho câu chuyện phát triển hoặc khơi mào xung đột. Thích khám phá, không ngại thử thách, sống cho hiện tại.
Can đảm, sáng tạo, truyền cảm hứng, bốc đồng, dễ gặp rắc rối vì thiếu tính toán.
Người cầu toàn: Thường tạo ra sự đối lập hoặc căng thẳng với nhân vật thoải mái, linh hoạt hơn. Luôn tìm kiếm sự hoàn hảo, kỷ luật và chú ý đến chi tiết.
Tận tâm, trách nhiệm, kiên định với mục tiêu nhưng quá cứng nhắc, dễ bị áp lực hoặc gây áp lực lên người khác.
Người mưu mô: Là nhân vật phản diện hoặc nhân vật có màu sắc xám, tạo sự bất ngờ cho câu chuyện. Thông minh, biết cách lợi dụng tình huống hoặc người khác để đạt được mục đích.
Tài giỏi, chiến lược, có khả năng ứng biến cao, đôi khi thiếu đạo đức, dễ bị ghét bỏ hoặc phản bội.
Người lạc quan: Là nguồn năng lượng tích cực hoặc "tia sáng" trong những tình huống căng thẳng. Luôn nhìn vào mặt tích cực, có niềm tin vào tương lai tốt đẹp.
Truyền động lực, sống tích cực, dễ hòa đồng nhưng thường ngây thơ, thiếu thực tế.
Người bi quan: Tạo sự đối lập hoặc làm nổi bật sự lạc quan của nhân vật khác. Luôn lo lắng, nhìn nhận tình huống theo chiều hướng xấu, rất hay bàn ra.
Thận trọng, biết cân nhắc rủi ro nhưng thiếu động lực, dễ làm mất hứng, ảnh hướng tinh thần của người khác.
Người hòa giải: Là cầu nối giữa các nhân vật khác, giải quyết mâu thuẫn hoặc giữ sự cân bằng trong nhóm. Luôn muốn duy trì sự hài hòa, ghét xung đột, hay bị xem là thảo mai khi ở trung lập.
Lắng nghe tốt, dễ làm người khác tin tưởng nhưng dễ bị lợi dụng, thiếu quyết đoán.
Để tạo ra một nhân vật đầy đủ và sống động trong truyện hoặc tiểu thuyết, bạn cần chú ý đến các yếu tố sau:
1. Thông tin cơ bản (Nhận diện)
Tên: Tên nhân vật nên phù hợp với bối cảnh văn hóa, thời đại và cả ẩn ý mà bạn muốn cài cắm.
Giới tính: Nam, nữ, phi giới tính hoặc linh hoạt tùy thuộc vào câu chuyện.
Tuổi: Ảnh hưởng đến hành động, suy nghĩ và trải nghiệm của nhân vật.
Nghề nghiệp: Liên quan đến mục tiêu, cách sống, khả năng, tính cách của nhân vật.
Ngoại hình: Dáng người, gương mặt, kiểu tóc, trang phục hoặc các đặc điểm (sẹo, hình xăm, màu mắt,...).
2. Tính cách và nội tâm (Chiều sâu)
Tính cách chính: Hài hước, nóng nảy, nhút nhát, tự tin, hoặc kiêu ngạo.
Điểm mạnh và cả điểm yếu: Những điều này giúp nhân vật trở nên "thật" hơn.
Động lực: Điều gì thúc đẩy nhân vật hành động? (Tình yêu, thù hằn, danh vọng,…)
Nỗi sợ: Nỗi sợ thầm kín hay những điều ám ảnh nhân vật từ quá khứ.
Giá trị và niềm tin: Họ tin vào điều gì? Giá trị này có thể thay đổi theo thời gian không?
3. Quá khứ (Minh bạch)
Quá khứ cá nhân: Tuổi thơ, gia đình, những mối quan hệ quan trọng. Biến cố lớn đã định hình nhân vật (mất mát, thành công hoặc thất bại).
Giáo dục: Trình độ học vấn hoặc kỹ năng sống ảnh hưởng đến họ như thế nào?
Trải nghiệm: Những sự kiện làm thay đổi suy nghĩ hoặc tính cách của nhân vật.
4. Mối quan hệ (Khai thác)
Bạn bè và kẻ thù: Họ thân thiết với ai? Tại sao lại có xung đột với người khác?
Gia đình: Quan hệ giữa nhân vật và các thành viên gia đình.
Tình yêu: Đang yêu, từng yêu hoặc sợ yêu.
5. Mục tiêu và xung đột (Chiều sâu)
Mục tiêu lớn: Điều nhân vật khao khát đạt được trong câu chuyện (ngắn hạn hoặc dài hạn).
Xung đột nội tâm: Những mâu thuẫn bên trong (giữa lý trí và cảm xúc, ước mơ và thực tại).
Xung đột bên ngoài: Mâu thuẫn với xã hội, kẻ thù hoặc những người thân thuộc.
6. Thói quen và chi tiết đời thường (Độc nhất)
Sở thích và thói quen: Nhân vật thích làm gì khi rảnh rỗi? Họ có thói quen kỳ lạ nào không?
Phong cách ngôn ngữ: Họ nói chuyện như thế nào? Trang trọng, hài hước hay kiêu ngạo?
Thói quen nhỏ nhặt: Câu cửa miệng khi nói chuyện, thói quen đẩy kính bằng ngón giữa, gãi đầu khi bối rối, bặm môi những lúc ngượng ngùng,...
7. Hành trình phát triển nhân vật (Chiều sâu)
Điểm bắt đầu: Nhân vật như thế nào khi câu chuyện bắt đầu?
Thay đổi: Họ học được gì, mất mát gì hoặc thay đổi như thế nào qua các sự kiện?
Điểm kết thúc: Sự trưởng thành, sụp đổ hay một cái kết mở cho nhân vật?
Nếu bạn là người mới thì bảy yếu tố xây dựng nhân vật này chỉ cần sử dụng để định hình những nhân vật chủ chốt là đủ. Đối với các nhân vật thoáng qua thì không cần thiết phải quá chi tiết đến mức này.
Đến khi bạn đã quen với cách để tạo ra một nhân vật thì bảy yếu tố trên sẽ tự nảy ra ngay khi bạn nghĩ tới cái tên của nhân vật đó. Khi ấy, tôi tin bạn sẽ sẵn sàng để xây dựng một thế giới to lớn như những tác phẩm nổi tiếng Naruto, One Piece,...
Một nhân vật đáng nhớ không cần phải là người hoàn hảo, nhưng họ phải có sự độc đáo, mâu thuẫn nội tâm và khả năng khiến người xem hoặc độc giả đồng cảm. Chính những yếu tố này sẽ giúp nhân vật tồn tại lâu dài trong lòng của người đọc, trở thành một phần ấn tượng không thể thiếu của câu chuyện.
Chia sẻ hôm nay chỉ tới đây thôi!
Hy vọng bạn thích bài viết dưới quan điểm, góc nhìn này và sẽ theo dõi những bài viết sắp tới.
Xin chào, hẹn gặp lại!